Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm
Ban Chỉ đạo tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, an dân, ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân, đặc biệt là các vấn đề xã hội là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; phòng ngừa việc lợi dụng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội để vi phạm pháp luật. Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và phát động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo ra sự lan tỏa, giúp cán bộ, công chức, viên chức và người dân nêu cao tỉnh thần cảnh giác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo, giao ban, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều nội dung, hình thức phù hợp, nhất là tập trung tuyên truyền về hậu quả tác hại của tệ nạn ma túy, “tín dụng đen” và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nổi lên ở từng địa phương; đồng thời cung cấp “số điện thoại nóng”, “hộp thư tố giác tội phạm” trên các phương tiện thông tin, để người dân biết và chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 01/CT-BCA ngày 13/3/2024 của Bộ Công an về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới. (Ảnh: Đức Trung)
Công an tỉnh (Cơ quan Thường trực) đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm, phân tích và dự báo sát tình hình, kịp thời triển khai các giải pháp phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; triển khai thực hiện công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước..., tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ, việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại cơ sở, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, các mục tiêu, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các Chỉ thị, Thông tư, Quyết định, Phương án, quy định mới về công tác nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ trên các lĩnh vực, tuyến, địa bàn trọng điểm; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy bên trong Công an các đơn vị, địa phương; bố trí điều tra viên tại Công an cấp xã để tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ngay từ cơ sở, đặc biệt là triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ. Đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các nguyên nhân, điều kiện của tội phạm thông qua các giải pháp như làm sạch dữ liệu thông tin đăng ký thuê bao di động và tài khoản ngân hàng để loại bỏ “sim rác”; đẩy mạnh các tiện ích trên VNeID, tập trung chuyển đổi trạng thái từ thủ công sang công nghệ hiện đại để thực hiện các mặt công tác. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, rà soát, làm sạch dữ liệu truy nã, quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy, lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa đối tượng đi Cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Cơ sở cai nghiện bắt buộc, góp phần phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương; thường xuyên rà soát, đấu tranh triệt phá và vô hiệu hóa các điểm tệ nạn xã hội, nhất là các điểm dư luận quan tâm; vận động cai nghiện tự nguyện, đưa đi cai nghiện bắt buộc. Công an tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động Tổ Công tác 123, Tổ Công tác 524 nhằm phòng ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật và các băng nhóm tội phạm hình sự.
03 lực lượng Công an - Quân sự - Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban công tác phối hợp thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ. (Ảnh: Đức Trung)
Kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững, ổn định, không xảy ra đột xuất, bất ngờ, không phát sinh “điểm nóng”; các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin được triển khai đồng bộ, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trong dân tộc, tôn giáo, chưa phát hiện tội phạm hoặc vụ việc nghiêm trọng phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia; tham mưu, phối hợp giải quyết kịp thời các vụ mâu thuẫn trong trong nội bộ Nhân dân.
Lực lượng Cơ quan Cảnh điều tra hai cấp tiến hành thụ lý điều tra 910 vụ, 1.234 bị can, so với cùng kỳ tăng 94 vụ (910/816). Viện Kiểm sát hai cấp thụ lý giải quyết 414 vụ, 807 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đối với 405 vụ, 792 bị can thụ lý mới (tăng 97 vụ, 315 bị can so với cùng kỳ). Tòa án hai cấp thụ lý sơ thẩm 473 vụ, 877 bị cáo (tăng 133 vụ, 356 bị cáo so với cùng kỳ), giải quyết sơ thẩm là 348 vụ, 654 bị cáo (tăng 84 vụ, 145 bị cáo so với cùng kỳ), điển hình là: các tội xâm phạm sở hữu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản”; tội cố ý gây thương tích; tội giết người; tội cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép; tội phạm về ma túy… Công tác truy nã với số truy nã đầu kỳ 81 đối tượng (trong đó, truy nã trong nước 65 đối tượng, truy nã quốc tế 16 đối tượng); phát sinh 28 đối tượng; bắt, vận động đầu thú 15 đối tượng; số đối tượng truy nã hiện còn 92 đối tượng; hỗ trợ bắt, vận động và bàn giao 07 đối tượng cho Công an các tỉnh, thành phố…
Lực lượng Cảnh sát trật tự và Cảnh sát 113 Công an tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền, nhắc nhở người dân tại địa điểm tham quan, chụp ảnh nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Đức Trung)
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự tham gia tích cực của các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp cơ bản kiềm chế được sự gia tăng tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về môi trường, không để hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ án kinh tế, tham nhũng không để thất thoát tài sản lớn góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dẫn đến kết quả một số loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm; phát hiện, bắt giữ nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển với số lượng ma túy lớn hơn trước...; các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được tăng cường và hiệu quả hơn; công tác canh gác vũ trang, bảo vệ các mục tiêu được bảo đảm an toàn; công tác tuần tra, truy quét được quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững, ổn định.
Ra mắt mô hình “Họ đạo Kinh Lý tự phòng, tự quản, tự hòa giải về an ninh, trật tự” trên địa bàn xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Đức Trung)
Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả tội phạm, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
1. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và đẩy mạnh thực hiện các Chỉ thị, Chương trình phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người; phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025; đặc biệt, là tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 của Ban Chỉ đạo tỉnh; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp bảo đảm hoạt động hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong công tác phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đơn vị, địa phương; nâng cao công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
2. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của người dân; rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, không để tội phạm lợi dụng các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội... để trục lợi, vi phạm pháp luật.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm theo hướng thực chất, tiếp cận các nhóm nguy cơ cao, địa bàn thường xuyên xảy ra tội phạm; nội dung tuyên truyền cụ thể về phương thức, thủ đoạn của tội phạm để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
4. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, góp phần hạn chế tình trạng tái phạm tội. Tổ chức tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội, như: Người sử dụng trái phép chất ma túy, số mới được đặc xá, tha tù,... Rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình phòng, chống tội phạm ở cơ sở; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để phát hiện, giải quyết các xung đột xã hội, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, góp phần làm giảm các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội.
5. Tăng cường khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác từ “truyền thống” sang “hiện đại” vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Chú trọng khai thác hiệu quả các phần mềm, ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ quản lý xã hội, quản lý nghiệp vụ, phòng, chống tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm, làm nền tảng, cốt lõi trong tấn công, trấn áp tội phạm.
6. Lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Quân sự, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan khác triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh có hiệu quả với những đối tượng trọng điểm về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường... Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; đấu tranh, triệt phá các tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp, dư luận quan tâm, tội phạm chống người thi hành công vụ, ma túy, trộm cắp, cướp, cướp giật, buôn lậu, gian lận thương mại hàng cấm và hàng giả..., không để tội phạm và tệ nạn xã hội lộng hành. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trong điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025; phát huy vai trò hiệu quả của Công an xã gắn với việc xây dựng Công an xã chính quy, xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
7. Triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm năm 2024 giữa lực lượng Công an với các sở, ngành; tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm đối với Ban Chỉ đạo các cấp; bảo đảm an toàn tuyệt đối các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng, các công trình, dự án trọng điểm đang và chuẩn bị triển khai trên địa bàn tỉnh năm 2024.